BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA VỚI TIẾT HỌC LỊCH SỬ
Chiều thứ sáu, ngày 04/04/2014, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử” với chủ đề: “Kể chuyện các Anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm” với sự tham gia của gần 100 em học sinh đến từ hai lớp 10A1 và 10A4 Trường THPT Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã nhiều lần đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành chủ quyền, bảo vệ độc lập cho đất nước. Đó là các cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán năm 40-43, khởi nghĩa chống quân Lương năm 542-544, kháng chiến chống quân Nam Hán năm 938, kháng chiến chống quân Tống năm 1076-1077, 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên – Mông 1258, 1285, 1288… Với tinh thần đoàn kết, dũng cảm, mưu trí và đặc biệt là lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã đánh bại các cuộc xâm lược đó và viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Cũng chính trong những cuộc kháng chiến đó đã xuất hiện các tướng lĩnh tài ba, chỉ huy các cuộc kháng chiến đi đến thăng lợi và sau này được vinh danh là các anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Lí Bí, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… .
Để giúp học sinh tìm hiểu về các anh hùng dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm, hiểu thêm truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong lịch sử, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với trường THPT Chu Văn An tổ chức “Giờ học Lịch sử “ tại Bảo tàng với chủ đề “Kể chuyện các Anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm”.
Tham gia buổi sinh hoạt này, các em học sinh được tham quan hệ thống trưng bày với nội dung trọng tâm là tìm hiểu về các anh hùng dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta, qua đó giúp các em hiểu thêm về truyền thống dựng nước và giữ nước trong lịch sử. Sau khi tham quan xong hệ thống trưng bày, các em học sinh có 15 phút để làm bài trắc nghiệm lịch sử tại không gian trưng bày Triều Tây Sơn và Triều Nguyễn. Được tham quan trưng bày, được nghe những câu chuyện lịch sử, cùng với các kiến thức bổ ích các em đã được học trong nhà trường, các em say sưa làm bài và trao đổi cùng nhau về các sự kiện, nhân vật trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Kết thúc hoạt động trí tuệ, các em tham gia hoạt động thể chất tại không gian của phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với trò chơi “Tiếp sức hành quân”. Hoạt động chơi này mô phỏng lại chiến thuật Tiếp sức hành quân của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ với hành trình hành quân từ Nghệ An ra Thăng Long. Trong chiến thuật hành quân này, Nguyễn Huệ đã áp dụng nguyên tắc “tập thể di chuyển liên tục ngày đêm, cá nhân luân phiên nghỉ dưỡng sức”. Ông cho quân cứ 02 người một tốp, luân phiên võng lẫn cho nhau, suốt dọc đường, người nào cũng phải võng người và được người võng. Như thế hết lượt người này phải đi, lại đến lượt người khác được nghỉ. Cứ như vậy cho đến khi ra đến Thăng Long. Như thế, vừa khỏi kiệt quân lực, vừa hành quân nhanh khiến quân Thanh trở tay không kịp khi bị tấn công và bị thua trận.
Với hình thức chơi theo đội (2 bạn võng 1 bạn lên ghép tranh), hoạt động thể chất này đòi hỏi các em không chỉ có sự khéo léo, nhanh nhẹn mà còn phải hết sức thông minh, quan sát để có thể ghép thật nhanh, thật đúng bức tranh “Quang Trung đại phá quân Thanh”. Qua hoạt động chơi này, giúp các em học sinh hiểu thêm về hành trình hành quân ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn từ Nghệ An ra kinh thành Thăng Long là hết sức khó khăn, vất vả bởi điều kiện thời tiết, đường sá đi lại khó khăn bởi núi sông cách trở, việc di chuyển cả một đoàn quân lớn gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nghĩa quân Tây Sơn đã hành binh thần tốc và giải phóng được kinh thành Thăng Long chỉ trong vòng 6 ngày đêm từ đêm 30 Tết Mậu Thân (1788) đến ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789); Hoạt động chơi này còn giúp các em phát huy tốt kỹ năng thuyết trình và bổ sung các kiến thức lịch sử trong qua hình thức mỗi đội cử đại diện lên để thuyết trình về nội dung ý nghĩa của bức tranh.
Chương trình “Giờ học Lịch sử” đã khép lại những đã để lại trong lòng cô và trò trường THPT Chu Văn An những ấn tượng tốt đẹp về một chương trình, một hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa thiết thực, bổ ích và lý thú trong việc đưa lịch sử đến gần với các em hơn.