Phan Nguyễn Phong Luân
Thuyết minh tự động tại https://okayo.com.vn/, https://tourguide.vn/
Tóm tắt
Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ nhằm
nâng cao chất lượng điểm đến rất được chú trọng nhằm tăng khả năng tiếp cận cũng như
sự hài lòng của du khách. Công nghệ thuyết minh tự động tại điểm đến là một giải pháp
đã được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn
chưa được phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng phương pháp tổng hợp dữ liệu thứ
cấp và quan sát tham dự, bài viết chỉ ra sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thuyết
minh tự động trong hoạt động du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chúng tôi
cũng làm rõ những hạn chế hiện tại của công nghệ này và những đề xuất giải pháp khắc
phục hạn chế. Kết quả nghiên cứu góp phần vào công tác phát triển ngành du lịch Thành
phố theo xu hướng du lịch thông minh hiện nay.
Từ khóa: du lịch thông minh, thuyết minh tự động, điểm đến thông minh, TP. HCM
THE POTENTIAL OF USING AUDIO GUIDE TECHNOLOGY
IN TOURISM ACTIVITIES IN HO CHI MINH CITY
Abstract
In the context of the 4th industrial revolution, applying technologies for improving
destination quality is focused in order to enhance tourist’s satisfaction. Audio guide
technology is a solution used widely for tourists in the world as well as in Vietnam, but it
is not really popular in Ho Chi Minh city (HCMC). Using secondary data and participant
observation method, this paper points out the necessaries of using audio guide technology
in tourism activities in HCMC. Besides, we also clarify present challenges of this
technology and make some proposals to solve these problems. The results give a hand to
develop tourism activities of HCMC follow the trend of smart tourism nowadays.
Keywords: smart tourism, audio guide, smart destination, Ho Chi Minh city
- HVCH, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
2
- Đặt vấn đề
Du lịch là ngành công nghiệp không khói đang được chú trọng đối với nền kinh tế
của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh cách mạng công
nghiệp 4.0 đang bùng nổ, sự tham gia của công nghệ trong hoạt động du lịch đang trở nên
ngày một phổ biến hơn. Công nghệ là yếu tố hỗ trợ cho du khách một cách hết sức hữu
hiệu ở cả trước, trong và sau chuyến đi (K. Kang et al., 2017). Stamboulis và Skayannis
cũng đã chỉ ra rằng ngành du lịch hiện nay đối mặt với rất nhiều sự thay đổi, trong đó có
sự hình thành của những loại hình du lịch mới, sự phát triển của công nghệ thông tin và
tác động của chúng đến sự hài lòng của du khách (trích dẫn trong B. Neuhofer & D.
Buhalis, 2012).
Trong quá trình tham quan của khách du lịch, yếu tố công nghệ cũng góp phần
không nhỏ đến chất lượng của những trải nghiệm trong chương trình. Hệ thống định vị
toàn cầu (Global Position System – GPS), sự phát triển của các trang giới thiệu (review)
điểm đến, mạng xã hội… là những giải pháp được du khách lựa chọn trong quá trình du
lịch của mình. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà du khách hay gặp phải, đặc biệt là
với đối tượng khách du lịch tự túc, chính là việc tìm hiểu những thông tin chi tiết tại điểm
đến. Để giải quyết vấn đề này, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động thuyết minh tại
điểm đã ra đời, là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc nâng cao chất
lượng chuyến tham quan của du khách (J. Cabrera et al., 2005). Đây là một công nghệ
vốn đã được ứng dụng từ lâu trên thế giới nhưng vẫn chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam.
Đối với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) vốn là nơi có nhiều giá trị văn
hóa, lịch sử thì tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ này để nâng cao hiệu quả hoạt
động du lịch là một điều cần được quan tâm. - Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng hai phương pháp chính là tổng hợp dữ liệu thứ cấp và quan sát
tham dự. Về nguồn tài liệu sử dụng, do công nghệ thuyết minh tự động nói riêng và việc
ứng dụng công nghệ trong du lịch nói chung đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới nên các
tài liệu nước ngoài về đề tài này tương đối phong phú, đa dạng hơn tài liệu trong nước. Từ
những nguồn tài liệu này, chúng tôi đã kế thừa được các cơ sở thực tiễn về công nghệ
3
thuyết minh tự động, khả năng ứng dụng công nghệ trong du lịch, những hạn chế và cách
giải pháp nâng cao hiệu quả của công nghệ thuyết minh tự động… Đây là nền tảng để
chúng tôi hiểu rõ hơn về công nghệ này cũng như tiềm năng ứng dụng chúng trong hoạt
động du lịch Thành phố. Chúng tôi cũng sử dụng phương pháp quan sát tham dự trong
nghiên cứu, cụ thể là quan sát du khách sử dụng dịch vụ thuyết minh tự động tại các điểm
tham quan ở Hà Nội và Hội An cũng như trực tiếp sử dụng dịch vụ này. Những địa điểm
chúng tôi đã sử dụng dịch vụ bao gồm: Văn miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Phụ nữ Việt
Nam, Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội); Chùa Cầu, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch (Hội An). Việc
tham gia trải nghiệm sẽ giúp chúng tôi đưa ra được những đánh giá đúng đắn, trung thực
hơn về vai trò của công nghệ này đối với du lịch Việt Nam, từ đó đưa ra nhìn nhận về
tiềm năng của thuyết minh tự động trong hoạt động du lịch tại TP. HCM. - Công nghệ thuyết minh tự động (Audio guide)
3.1. Khái quát về thuyết minh tự động
Theo Cục Di sản văn hóa (2018) thì “Thuyết minh tự động (audio guide/ media
guide/ multimedia guide) là kiểu thuyết minh nội dung trưng bày thông qua các thiết bị cá
nhân di động, hỗ trợ hoặc thay thế việc các cán bộ thuyết minh trực tiếp giới thiệu với
khách tham quan trưng bày”. Như vậy có thể hiểu rằng, khi du khách sử dụng loại hình
thuyết minh tự động, họ sẽ sử dụng một thiết bị cá nhân di động mà trong đó có tích hợp
những đoạn thuyết minh có sẵn dưới dạng hình ảnh, chữ viết, âm thanh, video clip… Tùy
vào từng không gian, thiết kế sản phẩm mà du khách có thể sử dụng một hoặc nhiều
những dạng thức thuyết minh kể trên. Những thiết bị cá nhân di động này có nhiều mẫu
mã, kiểu dáng và chức năng khác nhau, gọi chung là DPA (Digital Personal Assistants).
Bên cạnh việc hỗ trợ cung cấp thông tin thuyết minh cho du khách, một số thiết bị DPA
còn có chức năng chụp ảnh, kết nối mạng, quay phim, ghi âm… Công nghệ này cũng đã
xuất hiện trên các kho ứng dụng của các hệ điều hành điện thoại thông minh như Android,
iOS. Với những tính năng riêng biệt, nhiều ứng dụng cung cấp cho du khách những đoạn
thuyết minh cơ bản về điểm đến thông qua những đoạn âm thanh thu sẵn (audio) hoặc sử
4
dụng công nghệ tổng hợp giọng nói (text-to-speech)1 nhằm giảm dung lượng của ứng
dụng (M. Wijesuriya et al., 2013).
Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, chúng tôi tập trung phân tích loại hình
thuyết minh tự động thông qua âm thanh (audio guide). Ngoài ra, nghiên cứu cũng giới
hạn trong phạm vi sử dụng những thiết bị DPA được cung cấp tại điểm đến mà không
phải là những ứng dụng được xây dựng trên nền tảng hệ điều hành của điện thoại thông
minh. Do đây là loại hình đang được triển khai tại một số điểm đến ở Việt Nam, cũng như
có mức đầu tư không quá cao, phù hợp với những nơi mới bắt đầu ứng dụng công nghệ
này.
Về lịch sử của công nghệ thuyết minh tự động, từ lần đầu tiên được sử dụng tại Viện
bảo tàng Anh (British Museum) vào năm 1964, công nghệ này đã nhanh chóng trở thành
một xu hướng mới và được ngày càng nhiều du khách lựa chọn trong các chuyến tham
quan (L. Tallon, 2006). Đây là công nghệ được ứng dụng đa phần tại các điểm tham quan
có khối lượng thông tin lớn, mang nhiều giá trị đặc sắc như bảo tàng, nhà trưng bày, di
tích lịch sử, công trình văn hóa… Từ những năm 1990, Acoustiguide và Antenna Audio là
hai công ty thống trị trong ngành công nghiệp về thuyết minh tự động. Tuy nhiên như một
đặc thù của ngành nghề thì những công nghệ và nội dung sản xuất được lại ít được chia sẻ
rộng rãi nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của công ty. Chính vì vậy, việc nghiên cứu
ứng dụng thuyết minh tự động trong thời kỳ trước gặp nhiều khó khăn do đa phần là
những nghiên cứu độc lập của từng công ty, ít có sự kế thừa những thành tựu đi trước (L.
Tallon, 2006).
So với những công nghệ thuyết minh khác như sử dụng màn hình, hình ảnh, video
clip… thì công nghệ thuyết minh tự động thông qua âm thanh (audio guide) có ưu điểm
nổi trội hơn ở việc giúp du khách có thể vừa nghe thuyết minh vừa quan sát một cách trực
tiếp hiện vật tại điểm tham quan (L. Tallon, 2006). Chính vì vậy, chúng không những
không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của du khách mà còn tạo cơ hội để họ hiểu được
thông tin được truyền tải một cách hiệu quả hơn (A. Woodruff et al., 2001). Theo kết quả
khảo sát của L. Mann & G. Tung (2015) thì thuyết minh tự động mang đến cho du khách
1 Là việc tạo ra giọng nói của người từ đầu vào văn bản hoặc các mã hóa việc phát âm.
5
những lợi ích rõ rệt như: định hướng điểm đến, tìm thấy được những “kho báu” tại điểm
đến, cung cấp thông tin bằng ngôn ngữ của du khách.
Ngoài các điểm tham quan, công nghệ thuyết minh tự động còn được ứng dụng
trong những tour kết nối nhiều điểm tham quan với nhau, thường là trong những tour theo
hình thức đi bộ (audio walking tour). Đây là loại hình du lịch được triển khai tại nhiều
thành phố lớn trên thế giới như New York (Mỹ), London (Anh), Quebec (Canada),
Jerusalem (Israel)… Các tuyến xe buýt du lịch (hop-on hop-off bus) cũng được tích hợp
công nghệ này, giúp du khách khi di chuyển trên xe cũng có thể hiểu thêm về thành phố
và về những địa điểm mà họ đi qua.
3.2. Việc sử dụng thuyết minh tự động trên thế giới
Sự hiệu quả của việc ứng dụng thuyết minh tự động (audio guide) đã được nhiều
chuyên gia trên thế giới đánh giá cao nhờ vào khả năng cải thiện chất lượng trải nghiệm
của du khách. Điều này được thực hiện thông qua việc giúp du khách tiếp cận thông tin
bằng nhiều ngôn ngữ/ chủ đề/ nội dung khác nhau, cũng như tạo sự thú vị khi giúp họ
nghe những câu chuyện của các nghệ sĩ, người sưu tầm, chủ thể văn hóa… (E. Hornecker
& P. Bartie, 2006).
Bảo tàng là nơi sử dụng công nghệ này một cách vô cùng rộng rãi và phổ biến. Bởi
nếu không có sự hướng dẫn, thuyết minh thì du khách sẽ khó có thể kết nối được với
thông tin của các hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã
cung cấp dịch vụ thuyết minh tự động nhằm giải quyết vấn đề trên. Tiêu biểu như tại bảo
tàng Lourve (Paris, Pháp), công nghệ này đã được triển khai từ lâu và đến nay thì đã phát
triển với nhiều hình thức khác nhau. Du khách có thể chọn giữa việc tự tải nội dung
thuyết minh hoặc thuê DPA tại bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng còn cung cấp tùy chọn sử
dụng dịch vụ này trên thiết bị Nintendo 3DS XL với những mô phỏng 3D đặc sắc
2
. Hoặc
tại Bảo tàng Quốc gia Anh (London, Anh), có vô số những chủ đề khác nhau của dịch vụ
thuyết minh tự động mà bạn có thể chọn lựa như: Be Inspired Tour, The Grand Tour, The
2 Audio Guide of Louvre Museum. https://www.louvre.fr/en/audio-guide (truy cập 05/01/2019)
6
Lover’s Tour, The Escape the City Tour, The Lunchbreak Tour…3 Tại đây có cả những
bản thu âm kèm với văn bản để bạn có thể tải về thiết bị cá nhân của mình. Ngoài bảo
tàng thì một số điểm đến rộng lớn, có giá trị cao cũng được áp dụng công nghệ này nhằm
giúp du khách có những trải nghiệm hài lòng hơn. Như tại Bangkok (Thái Lan), điểm
tham quan nổi tiếng là Cung điện Hoàng gia (Grand Palace) cũng cung cấp dịch vụ thuyết
minh tự động để du khách có thể hiểu thêm về công trình chính và các hạng mục phụ trợ
bên trong như Chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew).
Du khách sử dụng dịch vụ xe buýt du lịch Hop-on Hop-off Bus tại Kuala Lumpur
cũng được cung cấp dịch vụ audio guide miễn phí trên xe. Thông qua nội dung thuyết
minh, họ sẽ biết được những thông tin sơ bộ về điểm đến sắp tới, cũng như về những
tuyến đường đi qua. Không chỉ trong hoạt động du lịch, nhiều tổ chức cũng ứng dụng
công nghệ thuyết minh tự động bằng âm thanh nhằm giúp những người có nhu cầu tìm
hiểu được hỗ trợ một cách hiệu quả hơn. Tiêu biểu như Đại học Harvard (Hoa Kỳ) có cả
một hệ thống các đoạn giới thiệu về trường đi kèm với bản đồ chỉ dẫn nhằm giúp sinh
viên hoặc những người quan tâm có thể hiểu thêm về lịch sử, kiến trúc cũng như hoạt
động tại ngôi trường danh giá này4
.
3.3. Việc sử dụng thuyết minh tự động tại Việt Nam
Một trong những yêu cầu đặt ra cho du lịch Việt Nam chính là việc nâng cao trải
nghiệm của du khách tại các điểm đến. Công nghệ nói chung, và công nghệ thuyết minh
tự động nói riêng, chính là một giải pháp thiết thực và quan trọng nhằm tăng cường sự
hiệu quả cho chuyến tham quan của du khách (B. Neuhofer & D. Buhalis, 2012). Nắm bắt
được vai trò quan trọng đó, du lịch Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thuyết minh
tự động nhằm phục vụ du khách trong những năm gần đây.
Bắt đầu vào khoảng cuối năm 2015, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) đã thử
nghiệm cung cấp dịch vụ thuyết minh tự động đến với du khách tham quan bảo tàng. Cho
đến nay, dịch vụ này vẫn là một trong số những điểm hấp dẫn khiến du khách cảm thấy
3 Audio Tours of National Gallery, London. https://www.nationalgallery.org.uk/audio-tours (truy cập
05/01/2019)
4 Audio Tours of Havard University. https://www.harvard.edu/on-campus/visit-harvard/tours/audio-tours
(truy cập 05/01/2019)
7
thú vị và hài lòng. Đến 01/2018, Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội) cũng đưa công nghệ
này vào phục vụ du khách với 08 ngôn ngữ khác nhau (Việt Nam, Anh, Pháp, Trung
Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan). Sử dụng hệ thống thuyết minh tự động OKAYO Việt Nam
. Điểm đặc biệt trong hệ thống
thuyết minh tự động tại Văn miếu Quốc tử giám chính là ở mỗi điểm thuyết minh, bên
cạnh mã số sẽ có đính kèm một mã phản hồi nhanh (Quick Response – QR). Du khách chỉ
việc sử dụng thiết bị DPA quét mã sẽ nghe được thông tin về hiện vật đó. Điều này tạo sự
tiện lợi cho du khách khi muốn nghe thông tin về một điểm nhất định mà không cần phải
ấn số thủ công.
Vào tháng 11/2018, Hội An đã chính thức đưa công nghệ thuyết minh tự động vào
phục vụ khách tham quan tại Phố cổ. Dịch vụ thuyết minh tự động tại đây có 06 ngôn ngữ
(Việt Nam, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), được trang bị tại các điểm
tham quan chính như: Chùa Cầu, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh
và Bảo tàng Hội An. Cách thức sử dụng cũng tương đối giống với Bảo tàng Phụ nữ Việt
Nam khi du khách phải ấn mã số của hiện vật vào thiết bị PDA để nghe thông tin thuyết
minh6
. Bảo tàng Thế giới Cà phê (The World Coffee Museum) (Daklak) cũng áp dụng
công nghệ này nhằm giúp du khách tiếp cận thông tin tại bảo tàng một cách hiệu quả, hiện
đại và không ảnh hưởng đến người khác.
- Sự cần thiết và giải pháp cho việc ứng dụng thuyết minh tự động trong du
lịch tại TP. HCM
4.1. Khái quát về du lịch TP. HCM
Với vị thế là trung tâm về kinh tế, chính trị và văn hóa của khu vực phía Nam, TP.
HCM có hoạt động du lịch vô cùng sôi động, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài
nước. Hệ thống tài nguyên du lịch tại đây đa dạng, phong phú với tài nguyên du lịch tự
nhiên lẫn tài nguyên du lịch văn hóa. Nói về tài nguyên tự nhiên, TP. HCM có khí hậu ôn
hòa với hai mùa rõ rệt, thuộc vùng không có gió bão, nhiệt độ trung bình năm 27,55oC là
nhiệt độ lý tưởng để khai thác du lịch quanh năm (Nguyễn Lan Hương, 2013). Nơi đây có
5 Hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide).
6 Hội An: Trang bị máy thuyết minh tự động cho du khách. (2018).
hệ thống rừng ngập mặn Cần Giờ được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu
tiên của Việt Nam với nhiều giá trị cao về bảo tồn hệ động thực vật cũng như làm sạch
bầu không khí. Vùng ngoại thành của Thành phố cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch
tại khu vực Quận 2, Quận 9, Thủ Đức với những khu du lịch gắn với yếu tố sinh thái như
Vườn Cò Thủ Đức, Rừng Hoang Bảy Mẫu, The BCR…
Về tài nguyên du lịch văn hóa, Thành phố có hệ thống bảo tàng đa dạng, mang
nhiều giá trị cả về lịch sử lẫn văn hóa như: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng, Bảo
tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh…
Đây là những địa điểm chính của công nghệ thuyết minh tự động khi áp dụng tại TP.
HCM. Ngoài ra, nơi đây còn có những di tích lịch sử – văn hóa quan trọng như: Dinh Độc
Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm Thành phố, Địa đạo Củ Chi, Chợ Bến Thành,
Chợ Lớn, Chùa Bà Thiên Hậu, Điện Ngọc Hoàng… Việc ứng dụng công nghệ thuyết
minh tự động tại những điểm đến này sẽ giúp du khách có thêm thông tin khi tham quan,
trải nghiệm.
Cơ sở hạ tầng du lịch của Thành phố cũng được đầu tư mạnh với hàng loạt các
khách sạn lớn cùng những nhà hàng nổi tiếng phục vụ khách du lịch. Nhiều công trình
tham quan, giải trí được đầu tư xây mới nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến
với Thành phố. Hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là phương tiện giao thông công
cộng với những tuyến xe buýt du lịch hiện đại. Bên cạnh đó, mạng không dây (wifi) đã
được lắp đặt ở nhiều địa bàn, nhiều khu vực tập trung đông đảo du khách tại TP. HCM.
Đây cũng là yếu tố giúp cho việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch tại Thành
phố trở nên hiệu quả và thuận tiện hơn.
Với những nỗ lực trong thời gian qua, ngành du lịch Thành phố đã đạt được những
thành tích nhất định. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP. HCM, trong năm 2018 tổng lượt
khách đến với Thành phố ước đạt 36,5 triệu lượt, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế;
doanh thu du lịch ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 16,07% so với năm 20177
. Với những
7 Sở Du lịch TP. HCM. (2019). Thông cáo báo chí chương trình quảng bá du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
trong khuôn khổ diễn đàn du lịch ASEAN (ATF Vietnam 2019) và Hội chợ Du lịch Travex 2019.
9
mục tiêu đặt ra của ngành du lịch Thành phố, việc nâng cao chất lượng và sự hài lòng của
du khách trong hoạt động tham quan là một trong những yếu tố cần được chú trọng, trong
đó có ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động trong hoạt động du lịch tại TP. HCM.
4.2. Sự cần thiết của thuyết minh tự động trong du lịch TP. HCM
Những nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng việc sử dụng công nghệ thuyết minh
tự động giúp du khách nâng cao chất lượng chuyến đi của họ, chính vì vậy số lượng du
khách mong muốn sử dụng lại dịch vụ này và giới thiệu cho bạn bè luôn đạt mức cao (L.
Tallon, 2006). Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ (2018) cũng đã đề ra nhiệm vụ và giải
pháp chủ yếu cho ngành du lịch nước nhà trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là
“chuẩn hóa nội dung số giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của
địa phương; phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động”.
TP. HCM là nơi có nhiều điểm đến mang giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc với khối
lượng thông tin khổng lồ. Do đó, khi ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động sẽ giúp du
khách tiếp cận được nguồn thông tin một cách chính xác, đầy đủ hơn. Đặc biệt là trong
những mùa cao điểm, thì đây là một điều khá cần thiết, bởi lẽ khi đó nhiều HDV nhận
hướng dẫn một cách liên tục khi vừa trở về, cũng như nhận tour vào “giờ chót” dẫn đến
tình trạng không chuẩn bị kịp thông tin của điểm đến (J. Sandaruwani & W. Gnanapala,
2016). Ngoài ra, việc mỗi người hoặc mỗi nhóm 02 người dùng một thiết bị PDA để nghe
thuyết minh cũng hạn chế tiếng ồn tại điểm tham quan, không gây ảnh hưởng đến các du
khách khác.
Đối tượng khách du lịch tự túc nội địa và quốc tế chịu sự kiểm soát gắt gao tại một
số nước như Maldives hoặc Bhutan (R. Scheyvens, 2002) nhưng tại Việt Nam mà cụ thể
là TP. HCM thì lại khá đông đảo và đa dạng. Việc sử dụng những phương tiện thuyết
minh truyền thống như tờ rơi, brochures hoặc cẩm nang dần trở nên không hiệu quả với
đối tượng này, là rào cản trong việc thu hút khách du lịch (M. Wijesuriya et al., 2013).
Bradt đã chỉ ra rằng đây là đối tượng ưa thích việc tìm hiểu, khám phá những điểm đến
mới lạ nhưng gặp vấn đề trong việc thấu hiểu văn hóa bản địa cũng như tiếp nhận thông
tin cụ thể của điểm đến (trích dẫn trong R. Scheyvens, 2002). Chính vì vậy, nhu cầu tìm
hiểu thông tin điểm đến, đặc biệt là đối với các nơi có khối lượng thông tin lớn như bảo
10
tàng, địa điểm văn hóa… là vô cùng cần thiết, xếp vị trí thứ 5 trên tổng số 11 nhu cầu của
khách du lịch tự túc (P. Pearce et al., 2009). Việc ứng dụng công nghệ trong thuyết minh
thông tin tại điểm sẽ giúp “phục vụ nhu cầu của khách du lịch một cách tốt nhất dựa trên
sự thay đổi hành vi của khách du lịch thông qua các ứng dụng cung cấp thông tin, dịch vụ
tối ưu cho khách du lịch” (Hà Văn Siêu, 2018). Mà trong đó, việc tham dự hoạt động và
tìm hiểu thông tin tại điểm đến chiếm một vị trí quan trọng trong hành vi của du khách
theo như Đề án Ứng dụng tổng thể Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch của Việt
Nam.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, phần mềm thuyết minh du lịch tự động
là một trong những “sản phẩm cụ thể để đáp ứng nhu cầu bức thiết của ngành du lịch cần
được chú trọng đầu tư với sự tham gia của các bên liên quan” (Hà Văn Siêu, 2018). Công
nghệ thuyết minh tự động giải quyết được thực trạng là có tới 66% du khách được khảo
sát trả lời rằng họ không sử dụng dịch vụ hướng dẫn viên/ thuyết minh viên khi tham
quan với các lý do về lịch trình, sự riêng tư, chi phí quá cao… cũng như giải quyết được
vấn đề chất lượng và nội dung thuyết minh không đồng đều (J. Sandaruwani & W.
Gnanapala, 2016). Điều mà du khách cảm thấy vô cùng thích thú đối với công nghệ này
chính là họ có khả năng kiểm soát thông tin nhận vào, chọn lựa những nội dung mà họ
yêu thích hoặc nghe lại chúng nếu cần thiết (A. Woodruff et al., 2001).
Với những điểm đến như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Địa đạo Củ Chi, Dinh
Độc Lập, Bến Nhà Rồng… do gắn liền với những sự kiện lịch sử và chính trị nên cần
những thông tin thuyết minh chính xác, rõ ràng. Việc áp dụng công nghệ thuyết minh tự
động với những bài thuyết minh có sẵn sẽ giải quyết được vấn đề này, hạn chế sai lệch
trong việc cung cấp thông tin đến với du khách. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có rất
nhiều cơ sở đào tạo Hướng dẫn viên nói riêng và nhân lực làm việc trong ngành du lịch
nói chung. Việc có những đoạn thuyết minh tự động mẫu được xây dựng và kiểm duyệt rõ
ràng sẽ giúp các bạn sinh viên từ những cơ sở đào tạo này chủ động hơn trong việc tiếp
cận và cập nhật thông tin.
4.3. Những lưu ý khi ứng dụng thuyết minh tự động tại TP. HCM
11
Tuy có nhiều ưu điểm nhưng khi ứng dụng thuyết minh tự động trong hoạt động du
lịch tại TP. HCM, công nghệ này cũng có những mặt hạn chế nhất định cần được lưu ý.
Đầu tiên đó chính là về sự khác biệt về cách sử dụng thiết bị PDA ở mỗi điểm đến nếu
không có sự đồng bộ về thiết bị. Việc sử dụng những phiên bản máy thuyết minh tự động
khác nhau với những chức năng không giống nhau đôi khi có thể gây ra sự khó khăn cho
du khách trong việc học cách sử dụng chúng (M. Othman et al., 2013). Ngoài ra, E.
Hornecker & P. Bartie (2006) cho rằng một trong những vấn đề của hệ thống thuyết minh
ứng dụng công nghệ chính là chi phí cho việc đầu tư ban đầu, bảo dưỡng và cập nhật
thông tin. Mặc dù chi phí này có thể dần dần được thu hồi thông qua phí cho thuê, nhưng
việc bỏ ra một số vốn lớn ban đầu cũng là trở ngại đối với nhiều nơi muốn đầu tư dịch vụ
thuyết minh tự động.
Một hạn chế chung của công nghệ thuyết minh tự động, dù là thông qua dụng cụ hỗ
trợ tại điểm hoặc các ứng dụng thông minh, đó là đôi khi chưa thể đáp ứng đúng nhu cầu
và mong muốn của du khách. Bởi vì khi sử dụng chúng, du khách chỉ đóng vai trò là
người tiếp nhận thông tin một cách bị động chứ không thể chủ động có được lượng thông
tin mà mình mong muốn (M. Othman et al., 2013). Đây vẫn còn là vấn đề lớn của việc
ứng dụng công nghệ vào hoạt động thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm tham quan. Bởi
vì khi du khách có những thắc mắc nằm ngoài những nội dung được chuẩn bị sẵn thì họ
không thể hỏi ai nếu như không có hướng dẫn viên (HDV) đi kèm.
Đối với những bảo tàng, điểm tham quan thường xuyên có những buổi triển lãm
chuyên đề trong thời gian giới hạn, hoặc thay đổi cách thức cũng như nội dung tham quan
thì việc cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu là điều vô cùng cần thiết. Ví dụ như tại Bảo
tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), thì dù nơi này đã có hẳn một gian trưng bày hoành tráng
và vô cùng đặc sắc về Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, nhưng nội dung này lại không có
trong máy thuyết minh tự động. Điều này dẫn đến việc du khách có thể cảm thấy đôi chút
hụt hẫng trong khi những khu trưng bày khác được cung cấp thông tin quá đầy đủ. Vấn đề
đặt ra yêu cầu là “làm thể nào để những dữ liệu có thể được thêm mới một cách đơn giản
và hiệu quả” (E. Hornecker & P. Bartie, 2006) nhằm phục vụ nhu cầu kết nối thông tin
của du khách một cách tốt nhất.
12
Theo Cục Di sản văn hóa (2018) thì “những đoạn ghi âm có sẵn thường gây nhàm
chán và hạn chế khách tham quan tìm hiểu trưng bày một cách chủ động”. Không chỉ có
vậy, nhiều nơi xây dựng thời lượng thuyết minh còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến việc
một nội dung được trình bày quá nhiều khiến tổng thời gian tham quan của du khách ở
một điểm kéo dài rất lâu. Cũng như bài thuyết minh lại không đi kèm với một sơ đồ cụ
thể, khiến du khách đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm hiện vật/ nội dung mà trong thiết
bị đang đề cập đến.
4.4. Hướng đề xuất cho việc ứng dụng thuyết minh tự động tại TP. HCM
Theo Nguyễn Thị Thu Nguyên & Phạm Thị Oanh (2018) thì cách mạng công nghiệp
4.0 có thể mang đến những công nghệ, tiện ích phục vụ cho nhu cầu tham quan, giải trí
của du khách cũng như làm hài lòng hơn đối với du khách khi đến địa phương. Trong đó,
công nghệ thuyết minh tự động thông qua âm thanh là một trong những công nghệ cần
được sớm triển khai một cách rộng rãi tại Việt Nam, mà cụ thể là ở TP. HCM. Tuy nhiên,
để hỗ trợ du khách một cách hiệu quả, bước đầu tiên cần thực hiện là xác định hành vi của
du khách khi sử dụng một dịch vụ nào đó, trường hợp cụ thể ở đây là dịch vụ thuyết minh
tự động tại điểm. Sơ đồ bên dưới thể hiện những điều mà du khách quan tâm khi muốn sử
dụng một dịch vụ tại điểm đến trong chuyến đi của mình.
13
Sơ đồ 1: Những vấn đề mà du khách quan tâm khi sử dụng dịch vụ tại điểm đến
(Nguồn: L. Mann & G. Tung, 2015)
Từ sơ đồ trên, có thể thấy rằng khi muốn sử dụng một dịch vụ tại điểm, du khách sẽ
quan tâm đến những yếu tố như: khả năng nhận diện, mức độ cần thiết, sự dễ dàng trong
việc chi trả (nếu có) và sử dụng, khả năng sử dụng đơn giản, và giá trị thực sự của dịch
vụ. Để nói về thuyết minh tự động, nhiều người cho rằng công cụ hỗ trợ thuyết minh tự
động là những sản phẩm không mang tính thẩm mỹ, chỉ đơn thuần là thứ giúp du khách
có được thông tin khi tham quan tại các điểm đến (G. Tung, 2015). Tuy nhiên, quan niệm
này đã dần trở nên lỗi thời trong bối cảnh công nghệ đang phát triển vô cùng mạnh mẽ
ngày nay. Thuyết minh tự động cần phải trở thành một phần của dịch vụ trong bảo tàng,
là yếu tố ảnh hưởng lớn đến những trải nghiệm của du khách khi tham quan. Thông qua
việc xây dựng nội dung cũng như kết hợp đa phương tiện, công nghệ thuyết minh tự động
còn giúp du khách hiểu và tương tác một cách dễ dàng hơn với không gian của điểm tham
quan.
14
Việc sử dụng các máy thuyết minh tự động sẽ giúp du khách dễ dàng hơn trong việc
tiếp cận, bởi lẽ chúng đã được thiết kế theo một lịch trình cố định, phù hợp với nội dung
tại từng điểm tham quan (M. Othman et al., 2013). Tuy nhiên những thiết bị này cần có
khả năng chia sẻ thông tin với người đi cùng thông qua tai nghe cá nhân nhằm tiết kiệm
chi phí và du khách cũng có cảm giác tương tác tốt hơn với người đồng hành (A.
Woodruff et al., 2001). Một lưu ý khác là những phương tiện hỗ trợ cho thuyết minh tự
động cần phải dễ sử dụng, để du khách có thể tự học hỏi hoặc được hướng dẫn bởi nhân
viên trong một khoảng thời gian ngắn (L. Mann & G. Tung, 2015). Tốt nhất là nên đính
kèm với một bản hướng dẫn sử dụng ngắn gọn, có thể là bản cứng hoặc được hiển thị trên
phương tiện khi sử dụng.
Về mặt nội dung, dữ liệu thông tin của mỗi điểm đến có thể được tổng hợp lại và
đăng tải trên hệ thống dữ liệu chung của Sở Du lịch TP. HCM, để du khách có thể lựa
chọn giữa việc tải những thông tin này về điện thoại (có phí) hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ
thuyết minh tự động tại điểm đến. Việc này sẽ giúp du khách chủ động hơn trong việc tiếp
cận thông tin điểm đến ở trước, trong và sau chuyến đi dù cho họ có sở hữu thiết bị thông
minh tương thích hay không (K. Kang et al., 2017). Việc thiết kế nội dung của bài thuyết
minh tự động cũng cần chú ý liên kết với hiện vật trưng bày hoặc nội dung cụ thể tại điểm
đến, tránh những đoạn giới thiệu chung chung không chủ đích, khiến du khách mất tập
trung (A. Woodruff et al., 2001).
Để du khách cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình sử dụng, bên cạnh giọng đọc
thuyết minh thông thường nên có sự xuất hiện của nhiều yếu tố khác nhau như: những
đoạn phỏng vấn chủ thể văn hóa, âm nhạc, âm thanh sống động của đời thực… Như trong
một không gian trưng bày về tín ngưỡng thờ Mẫu, đoạn thuyết minh cần lồng ghép một số
giai điệu Hầu Đồng truyền thống để người nghe cảm nhận một cách sâu sắc về nét tín
ngưỡng dân gian này. Ngoài ra, nên có một danh sách những điểm thuyết minh được đánh
số thứ tự kèm với sơ đồ phân bố các điểm đó trong một khu vực nhất định để du khách có
thể dễ dàng tìm kiếm nội dung mà mình muốn nghe.
- Kết luận
15
Công nghệ thuyết minh tự động là một trong những thành tố góp phần không nhỏ
vào sự thành công của ngành du lịch hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ này một cách
rộng rãi ở Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng là điều vô cùng cần thiết. Bởi công
nghệ thuyết minh tự động sẽ giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách tại điểm
đến, nhất là với những nơi có khối lượng thông tin lớn, có giá trị lịch sử – văn hóa cao như
các bảo tàng, di tích… Đây cũng là điều được các cấp lãnh đạo đặt ra như một mục tiêu để
phát triển du lịch thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Việc ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động tuy có nhiều lợi ích nhưng vẫn còn
nhiều mặt tồn tại nhất định. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhằm tìm cách khắc phục
những hạn chế nói trên cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Có như thế thì công
nghệ thuyết minh tự động mới phát huy hết được công năng của mình, trở thành một yếu
tố góp phần nâng cao sự hài lòng của du khách cũng như nâng tầm cho ngành du lịch
Thành phố.
TÀI LIỆU THAM KHẢO - A. Woodruff, P. Aoki, A. Hurst & M. Szymanski 2001: “Electronic guidebooks and
visitor attention”, Proceedings of International Cutural Heritage Informatics Meeting
2001, Archives & Museum Informatics. - B. Neuhofer & D. Buhalis 2012: “Understanding and managing TechnologyEnabled Enhanced Tourist Experiences”, Proceeding of The 2nd Advances in
Hospitality and Tourism Marketing & Management Conference, Research Institute
for Tourism, Democritus University of Thrace, Washington State University. - Cục Di sản văn hóa 2018: “Hệ thống trưng bày và thuyết minh tương tác bảo tàng –
một vài bước trao đổi ban đầu”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Xây dựng sản phẩm chủ
lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xu hướng CMCN lần thứ tư, Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch: tr.160-166. - E. Hornecker & P. Bartie 2006: “Technology in Tourism: Handheld Guide Systems
and Musemum Technologies”, Human Interface Technology Laboratory New
Zealand.
16 - G. Tung 2015: “Improving the Audio Guide: A Look at Our Visitors”,
https://www.metmuseum.org/blogs/digital-underground/2015/improving-the-audioguide-a-look-at-our-visitors (retrieved on 17/01/2019). - Hà Văn Siêu 2018: “Du lịch Việt Nam và yêu cầu phát triển một số sản phẩm ứng
dụng công nghệ tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa
học Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xu
hướng CMCN lần thứ tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: tr.187-194. - J. Cabrera, H. Frutos, A. Stoica, N. Avouris, Y. Dimitriadis, G. Fiotakis & K. Liveri
2005: “Mystery in the Museum: Collaborative Learning Activities using Handheld
Devices”, Proceedings of The 7th Conference on Human-Computer Interaction with
Mobile Devices and Services, ACM. - J. Sandaruwani & W. Gnanapala 2016: “The role of tourist guides and their impacts
on sustainable tourism development: a critique on Sri Lanka”, Tourism, Leisure and
Global Change: p.62-73. - K. Kang, J. Jwa & S. Park 2017: “Smart Audio Tour Guide System using TTS”,
International Journal of Applied Engineering Research, 20: p.9846-9852. - L. Mann & G. Tung 2015: “A new look at an old friend: Reevaluating the Met’s
audio-guide service”, Proceedings of Museum and the Web Conference 2015,
Archives & Museum Informatics. - L. Tallon 2006: “On Audio Tours: an unknown quantity”, Engage Journal, 18.
- M. Othman, H. Petrie & C. Power 2013: “Measuring the usability of a smartphone
delivered museum guide”, Procedia – Social and Behavioral Sciences, 97: p.629-
637. - M. Wijesuriya, S. Mendis, B. Bandara, K. Mahawattage, N. Walgampaya & D. Silva
2013: “Interactive mobile based tour guide”, Proceeding of SAITM Research
Symposium on Engineering Advancements 2013, South Asian Institute of
Technology and Medicine: p.53-56. - Nguyễn Lan Hương 2013: “Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn lực và thực
trạng phát triển”, Tạp chí Khoa học Xã hội, 177: tr.22-29.
17 - P. Pearce, L. Murphy & E. Brymer 2009: “Evolution of the backpacker market and
the potential for Australian tourism”, CRC for Sustainable Tourism Pty Ltd. - Phạm Thị Oanh & Nguyễn Thị Thu Nguyên 2018: “Phát triển du lịch Đắk Lắk trong
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, Kỷ yếu hội thảo Phát triển du lịch trong cách
mạng công nghiệp 4.0, NXB ĐHQG: tr.83-90. - R. Scheyvens 2002: “Backpacker Tourism and Third World Development”, Annals
of Tousim Research, 1: p.144-164. - Thủ tướng Chính phủ 2018: “Quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công
nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm
2025””, số 1671/QĐ-TTg.
Thông tin tác giả
Phan Nguyễn Phong Luân
HVCH, trường ĐH KHXH&NV TP. HCM
Email: phong.luan0312@gmail.com / SĐT: 0357 417 103
Địa chỉ liên hệ: 57/3/4 Long Sơn, Long Bình, Q9, TP. HCM